Vượt qua làn sóng đầu tiên của COVID-19, vào Q2/2020, mặc dù giảm 9 điểm so với quý trước, Việt Nam trở thành quốc gia lạc quan thứ hai thế giới với Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng là 117.
Vào Q2 năm 2020, The Conference Board® Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng Toàn cầu giảm mạnh từ mức gần như cao nhất lịch sử từ 106 vào Q1/2020 xuống còn 92 điểm. Điều này thể hiện rằng có nhiều người tiêu dùng bi quan hơn những người tiêu dùng lạc quan trên toàn cầu lần đầu tiên kể từ năm 2016 (mức dưới 100 được xem xét là tiêu cực). 14 điểm giảm cũng là số điểm giảm lớn nhất kể từ khi chỉ số này được đo lường kể từ Q1/2005 và gấp đôi số điểm giảm trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính vào thời điểm 9/2008.
Vào quý này, 56 trên 68 thị trường được thực hiện khảo sát có mức độ tự tin dưới 100, báo hiệu xu hướng thiên về sự bi quan của người tiêu dùng trên toàn cầu. Mười thị trường được báo cáo có chỉ số dưới 66 (mức độ rất tiêu cực). Nhìn chung, điều này ngụ ý rằng hầu hết người tiêu dùng được khảo sát trên toàn cầu đều đang trong tâm thế bi quan. Bất chấp sự sụt giảm niềm tin trên tất cả các thị trường, châu Á – Thái Bình Dương là khu vực phân cực rõ ràng với việc có nhiều người tiêu dùng lạc quan nhất cũng như bi quan nhất trên thế giới. Trong khi Chỉ số Niềm tin Người tiêu dùng ở Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và Indonesia vẫn trên 100 thì chỉ số này ở Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ dưới 50, mức thấp nhất trên toàn cầu.
Mặc dù có một sự suy giảm đáng kể từ 126 đến 117 điểm so với quý trước, Việt Nam vẫn nằm trong những quốc gia lạc quan nhất toàn cầu và vượt qua Philippines và Indonesia để trở thành quốc gia có số người tiêu dùng lạc quan nhiều thứ 2 thế giới, chỉ sau Ấn Độ, với số điểm 123.
Sự kết hợp của các yếu tố: triển vọng công việc dần trở nên xấu đi, mối lo lắng gia tăng về tài chính cá nhân ngắn hạn và sự không sẵn sàng chi tiêu đã dẫn đến việc niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam giảm mạnh trong quý này. Tất cả ba yếu tố thúc đẩy niềm tin của người tiêu dùng – triển vọng công việc, tài chính cá nhân và ý định chi tiêu đều có một sự sụt giảm đáng kể (-5pp – điểm phần trăm – và -4pp, -7pp tương ứng).
“Vì COVID-19 đã lan mạnh ra khắp toàn cầu, cách ly xã hội, đóng cửa doanh nghiệp, và gia tăng thất nghiệp đã làm giảm niềm tin của người tiêu dùng và sự sẵn sàng chi tiêu của họ. Việt Nam đã thành công vượt qua làn sóng thứ nhất của đại dịch COVID-19, Việt Nam đang trong giai đoạn Phục hồi, tuy nhiên, nhìn chung niềm tin tiêu dùng trở nên suy yếu vì những tác động của đại dịch đã ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân cũng như triển vọng tương lai của nhiều người”, bà Louise Hawley, Tổng Giám Đốc Nielsen Việt Nam chia sẻ.
Sau 1 năm, sự ổn định của công việc soán ngôi sức khoẻ để trở thành mối quan tâm số 1. Nền kinh tế là mối quan tâm thứ ba với mức độ kỷ lục kể từ năm 2014
Vào Q2/2020, người tiêu dùng Việt Nam tiếp tục xếp hạng Sự ổn định của công việc (45%, +5 so với Q1/2020) và Sức khoẻ (44%, -5% so với Q1/2020) là hai mối quan tâm lớn nhất của họ. Sau 1 năm, Sức khỏe là mối quan tâm số 1 của người tiêu dùng Việt Nam, vào quý này, Sự ổn định của công việc đã vượt qua Sức khỏe để giành lấy vị trí này. Đáng chú ý, đã có một sự tăng vọt về mức độ lo lắng của người tiêu dùng về Nền kinh tế (31%, +10% so với Q1/2020), và đây cũng là mức cao kỷ lục kể từ Q2/2014.
“Những xu hướng này phần lớn đều có thể dễ dàng dự đoán trước vì Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên kiểm soát được làn sóng đầu tiên của đại dịch và bước vào giai đoạn Phục hồi. Vì vậy Sức khoẻ không còn là mối quan tâm số 1 của người Việt Nam vào Q2/2020. Tuy nhiên, đại dịch đã để lại một ảnh hưởng dài hạn đến nền kinh tế và sự không chắc chắn của người tiêu dùng, dẫn đến cảm giác bất an về công việc và do dự trong việc chi tiêu”, bà Louise nhận định.
Vào quý này, Cân bằng cuộc sống – công việc giảm một bậc trong danh sách những mối quan tâm với ít hơn một phần tư số người tiêu dùng chỉ ra rằng đây là điều làm họ bận tâm (23% so với 22% số đáp viên trong Q1/2020). Trong khi đó, dù cố gắng quản lý việc chi tiêu những vấn đề điện, nước… nhưng do thời gian ở nhà nhiều hơn, người tiêu dùng buộc phải quan tâm nhiều hơn đến Gia tăng của hoá đơn tiện ích (8%, +2% so với Q1/2019).
Người Việt Nam đứng đầu xu hướng tiết kiệm trên toàn thế giới
Trên toàn cầu, người tiêu dùng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đang dẫn đầu trong xu hướng tiết kiệm. Vào Q2, với mức độ tăng nhẹ (69% đến 72%), Việt Nam là quốc gia vượt lên vị trí đứng đầu với việc có nhiều người tiêu dùng tiết kiệm nhất thế giới, theo sau bởi Hồng Kông (68%) và Singapore (65%).
Vào Q2/2020, người Việt Nam thừa nhận rằng họ đã chi tiêu ít hơn so với quý trước. Xếp sau tiết kiệm, tiền nhàn rỗi của họ được chi cho Quần áo mới (39%, -3% so với Q1/2020). Tiếp nối xu hướng của quý trước, mặc dù có một sự giảm nhẹ, Việt Nam vẫn nằm trong top 2 các quốc gia với tỉ lệ người tiêu dùng nói rằng họ chi tiêu nhiều cho Các gói bảo hiểm cao cấp (38%, -2% so với Q1/2019), chỉ sau Ấn Độ (39%).
Thêm vào đó, không ngạc nhiên khi người tiêu dùng Việt Nam chỉ ra rằng họ chi tiêu vào Du lịch (-6%) và Giải trí bên ngoài (-6%) ít hơn so với quý trước.
“Việc giãn cách xã hội để phòng chống đại dịch COVID-19 đã tạo nên hiệu ứng domino, với những doanh nghiệp như khách sạn, bar và nhà hàng phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn và đồng thời, sức chi tiêu của người tiêu dùng cũng suy giảm vì có ít cơ hội chi tiêu hơn trước đây. Bên cạnh đó, hậu quả của việc cắt giảm nhân sự và bất ổn định trong công việc đã làm gia tăng sự lo lắng về thu nhập cũng như tài chính của các hộ gia đình. Ngay cả khi chúng ta đều nhận thấy một sự hồi phục trong những tháng gần đây, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn đang ở mức thấp và những tác động xa hơn về việc suy giảm chi tiêu sẽ ngày càng rõ ràng trong những tuần sắp tới. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng giảm tần suất ghé thăm các cửa hàng, nhà hàng và nhiều địa điểm ngoại tuyến khác, kết hợp cùng mối quan ngại về tài chính là nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế chi tiêu cho những việc như giải trí, quần áo mới và ăn uống bên ngoài”, bà Louise Hawley giải thích.
Đi ngược lại với xu hướng, Sản phẩm công nghệ mới chiếm lĩnh vị trí thứ ba trong những điều người tiêu dùng chọn để chi tiêu tiền nhàn rỗi của họ (37%, +1% so với Q1/2020). Đây cũng là nhân tố duy nhất có xu hướng tăng trong danh sách chi tiêu người Việt Nam vào Q2/2020. “Có nhiều thời gian ở nhà hơn và với việc công nghệ đóng một vai trò thiết yếu trong mọi thứ như giáo dục, làm việc và giải trí đã tạo nên nhu cầu cao về các sản phẩm công nghệ mới”, bà Louise bổ sung thêm.