Smartphone “tùy biến” trước COVID-19

Suy giảm sức mua vì dịch bệnh khiến các hãng smartphone tập trung hơn cho các sản phẩm vừa túi tiền.

Theo báo cáo của Canalys công bố ngày 31.7, số lượng smartphone toàn cầu xuất xưởng trong quý II đạt khoảng 285 triệu chiếc, giảm 14% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính là dịch COVID-19 gây tổn hại tới chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như sức mua sắm của người dân.

Trong bối cảnh ảm đạm này, Apple là hãng điện thoại duy nhất tăng trưởng. Apple xuất xưởng 45,1 triệu chiếc iPhone trên toàn cầu, tăng 25% so với quý II/2019. Còn lại, hầu hết các hãng điện thoại đều có mức tăng trưởng âm. Lượng điện thoại xuất xưởng của Huawei, Samsung, Xiaomi và Oppo lần lượt giảm 5%, 30%, 10% và 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Huawei bất ngờ lần đầu tiên vượt qua Samsung để trở thành hãng sản xuất smartphone lớn nhất thế giới. Huawei xuất xưởng 55,8 triệu chiếc, so với 53,7 triệu chiếc của Samsung trong quý II/2020. Trong bối cảnh sức mua trên thị trường đang giảm và cạnh tranh gay gắt, Samsung vẫn tung ra 5 sản phẩm mới tại Unpacked 2020. Samsung ra mắt Galaxy Z Fold 2 màn hình gập, bên cạnh bộ đôi Note20, máy tính bảng Tab S7, tai nghe Galaxy Buds Live và đồng hồ Watch 3.

Giữa lúc đại dịch toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, Samsung chỉ kỳ vọng mức doanh số khiêm tốn cho các dòng flagship mới này. Trong khi đó, theo công ty nghiên cứu thị trường Strategy, Galaxy A51 trở thành chiếc smartphone Android bán chạy nhất trong quý I/2020. Đã có tới hơn 6 triệu chiếc Galaxy A51 được bán trong thời gian này, chiếm 2,3% thị phần. Vì vậy, cả Samsung và người dùng trông đợi hơn trong năm tới chính là smartphone dòng A tầm trung tích hợp công nghệ ổn định hình ảnh quang học (OIS). Có thể thấy, Samsung đang chuyển hướng đưa công nghệ cao cấp nhất của dòng cao cấp Galaxy S, Note lên dòng smartphone tầm trung.

Ông DJ Koh, Giám đốc Điều hành Bộ phận Công nghệ thông tin và Truyền thông di động của Samsung, cho biết việc chuyển một số tính năng cao cấp lên dòng smartphone tầm trung sẽ tạo ra sức hút lớn đối với nhóm người yêu thích công nghệ nhưng tài chính có hạn.  “Chúng tôi đã tập trung rất nhiều vào các mẫu điện thoại hàng đầu nhưng chúng tôi sẽ sớm chuyển giao công nghệ cho các mẫu giá hợp lý hơn”, ông nói.

Đây là chiến lược khi Samsung tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ Trung Quốc. Các hãng Made in China tập trung đánh vào phân khúc giá rẻ và tầm trung trên thị trường. Đặc biệt nhiều hãng như Xiaomi, Huawei còn rất tích cực tung ra các công nghệ mới cho dòng giá rẻ lẫn tầm trung.

Đáng nói là mặc dù doanh số smartphone của Huawei ở các thị trường nước ngoài đã giảm 27%, thì tại Trung Quốc, hãng này đã tăng trưởng 8%. Thị trường nội địa chiếm tới 72% tổng lượng smartphone bán ra của Huawei, trong đó chủ yếu là smartphone giá rẻ và tầm trung. Huawei rất khôn khéo để chiếm thiện cảm của người dùng Trung Quốc trong bối cảnh bị Chính phủ Mỹ trừng phạt nặng nề.

Ko Eui-young, chuyên gia phân tích Hi Investment & Securities, nhận xét, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm gia tăng sự bất ổn về nhu cầu và thúc đẩy doanh số bán điện thoại giá rẻ và tầm trung. Tình hình này dự kiến kéo dài do khách hàng lo lắng kinh tế suy thoái, dẫn đến việc trì hoãn mua sắm thiết bị điện tử không cần thiết. Đây cũng là xu hướng phổ biến của ngành công nghệ nói chung, dù giá bán điện thoại đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Cột mốc smartphone 2.000 USD đã bị vượt qua dễ dàng với sự xuất hiện của điện thoại màn hình gập. Mức giá này thậm chí vượt qua cả giá nhiều mẫu laptop tầm trung hay TV 4K.

Tuy nhiên, những smartphone ngàn đô hiện chủ yếu là cuộc trình diễn về công nghệ, hơn là cuộc đua về doanh số thật cho các hãng điện thoại. Ngay cả Apple cũng có sự tập trung nhất định cho phân khúc tầm trung vốn lâu nay thuộc về Samsung. Đáng chú ý là dòng smartphone tầm trung iPhone SE 2020 được xem là một trong các nhân tố chủ chốt cho thành công của Apple. iPhone SE 2020 chiếm đến 28% doanh số bán iPhone toàn cầu. Dự báo, thời gian tới, với giá bán phải chăng (từ 399 USD), iPhone SE 2020 vẫn là nhân tố quan trọng thúc đẩy doanh số bán iPhone của Apple, đặc biệt trong bối cảnh iPhone 12 Series bị trì hoãn ngày phát hành.

Sau thành công ban đầu của SE 2020, Apple có thể tung ra nhiều chiến lược mới để gia tăng sức hấp dẫn của các thế hệ SE trong tương lai: tăng kích cỡ màn hình, chuyển sang thiết kế tai thỏ, thêm camera… Báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2020 của Apple cho thấy, iPhone mang về 26,42 tỉ USD doanh thu, tăng 1,66% so với cùng kỳ.

Tại Việt Nam, thị trường smartphone chủ yếu là cuộc đua giữa Samsung và Oppo. Hai nhà sản xuất này có chiến lược tương tự nhau khi dành nhiều sự quan tâm cho phân khúc điện thoại giá thấp, tầm trung để phủ kín thị trường và các phân khúc người dùng với túi tiền khác nhau. Năm 2019 người Việt tiêu thụ khoảng 15 triệu chiếc smartphone, trong đó, sản phẩm cao cấp giá trên 10 triệu đồng chỉ chiếm dưới 10%. “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phân khúc cao cấp khó có thể phát triển như kỳ vọng của các hãng hay nhà bán lẻ”, đại diện của Thế Giới Di Động cho biết.

Khi thị trường smartphone ngày càng bão hòa, cuộc cạnh tranh khốc liệt đã buộc các hãng phải đưa vào dòng smartphone tầm trung ngày càng nhiều tính năng cao cấp. Một người không đủ khả năng chi trả cho một smartphone cao cấp giá hàng ngàn đô thì vẫn có thể tìm cho mình một chiếc điện thoại tầm trung giá vài trăm đô mà vẫn rất xịn.

Nguồn: nhipcaudautu.vn

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *