Tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam năm 2024 khá chậm do ảnh hưởng của lạm phát và xu hướng tăng tiết kiệm của người tiêu dùng. Theo khảo sát của PWC tại Châu Á Thái Bình Dương, trong khoảng 7.000 người tiêu dùng được khảo sát (trong đó có 515 người tiêu dùng Việt Nam), thì khoảng 63% người tiêu dùng vẫn lo ngại về lạm phát. Song, 63% người tiêu dùng Việt Nam kỳ vọng tăng chi tiêu đối với hàng hóa thiết yếu, 52% tăng chi tiêu đối với quần áo, và 48% lựa chọn tăng chi tiêu đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe.
Theo đó, chúng ta cùng SPN khám phá ba xu hướng chính của người tiêu dùng Việt Nam vào năm 2025, theo dự báo từ Công ty Chứng khoán Tiên Phong và báo cáo từ PwC nhé.
Xu hướng 1: Ưu tiên hàng thiết yếu và chăm sóc sức khỏe. Người tiêu dùng Việt Nam đang dần ưu tiên các mặt hàng thiết yếu và sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Theo khảo sát, 63% người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu vào các mặt hàng này, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn ảnh hưởng.
Xu hướng 2: Đầu tư vào sản phẩm bền vững. Sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng quan trọng. 74% người tiêu dùng sẵn sàng trả thêm 20% cho sản phẩm tái chế, và 85% muốn mua xe điện hoặc hybrid trong ba năm tới. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xanh.
Xu hướng 3: Chú trọng thương hiệu uy tín. Người tiêu dùng Việt không chỉ tìm kiếm sản phẩm phù hợp mà còn quan tâm đến uy tín thương hiệu. Họ sẵn sàng trung thành với các nhãn hàng mang lại giá trị bền vững và trải nghiệm đa kênh.
Thị trường bán lẻ Việt Nam dự kiến sẽ đạt 276,37 tỉ USD vào năm 2024 và tăng lên 488,08 tỉ USD vào năm 2029. Mức tăng trưởng trung bình hàng năm dự báo lên tới 12,05%. Tóm lại, người tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục thay đổi thói quen mua sắm và chú trọng vào các yếu tố bền vững, sức khỏe và thương hiệu uy tín. Các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng này để phát triển bền vững.